3 sai lầm thường gặp khi học từ vựng TOEIC – Tại sao bạn học hoài không lên điểm

Chào bạn, trong bài hôm nay mình sẽ chia sẻ cho các bạn 3 sai lầm các bạn thường gặp khi học từ vựng TOEIC – lý do bạn học hoài không tăng điểm. Và dĩ nhiên, sẽ bao gồm các lời khuyên giúp bạn thao gỡ những sai lầm này nhé.

Nào chúng ta cùng bắt đầu!

Đầu tiên mình muốn nói về TƯ DUY KHI HỌC TOEIC

A. MỌI NGƯỜI THƯỜNG CHÚ TRỌNG VÀO NGỮ PHÁP MÀ BỎ QUÊN TỪ VỰNG TOEIC

Đa phần mình thấy các bạn rất chú trọng vào Ngữ pháp mà ít khi thực sự bổ sung vốn từ vựng. Nhưng sự thật đó là, học từ vựng sẽ giúp bạn lấy được 2/3 số điểm trong TOEIC.

Nếu bạn giỏi NGỮ PHÁP bạn chỉ có thể ăn điểm của đa phần các câu trong PART 5,6 thôi. Còn nếu bạn giỏi học từ vựng TOEIC, bạn có thể ăn điểm từ LISTENING, và PART 7 nữa. Ít nhất là 150 câu phải không nào?

Chưa kể, kiến thức này còn có thể áp dụng vào cuộc sống, giao tiếp chẳng hạn. Bạn có thấy những người buôn bán ở chợ bến thành, xe ôm, xích lô, họ nói broken English nhưng người nước ngoài vẫn hiểu không? Đó là do họ biết TỪ VỰNG. Chỉ cần BIẾT TỪ VỰNG CẦN THIẾT bạn đã có thể thể hiện được suy nghĩ của mong muốn của mình ở level đơn giản rồi, còn giao tiếp nâng cao thì mới cần ngữ pháp.

Tại sao bạn và mọi người lại tập trung quá nhiều vào ngữ pháp như vậy?

Mình cho là, theo truyền thống học ở trường nên các bạn sẽ có thói quen tập trung học ngữ pháp hơn từ vựng. Chưa kể, ngữ pháp dễ theo dõi và thống kê hơn. Ví dụ như học một khóa bạn sẽ học 12 điểm ngữ pháp, nội dung cũng rõ ràng hơn. Còn từ vựng thì vô số kể, cũng khó theo dõi trong cả quá trình học. Các trung tâm hoặc thầy cô cũng sẽ tốn công soạn thảo, lên bài giảng và đôn đốc cũng như theo dõi cả quá trình. Vì thế việc học từ vựng TOEIC thường dựa vào sự chủ động của Học Viên

Mình muốn nhấn mạnh ở đây một lần nữa TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC HỌC TỪ VỰNG.

\"\"

B. HỌC TỪ VỰNG TOEIC CÓ THỂ GIÚP BẠN TĂNG ĐIỂM HIỆU QUẢ.

Đôi khi có một vài bạn đến học với mình, nhưng trình bày suy nghĩ rằng bạn ấy chỉ muốn dùng mẹo, để làm bài và tin rằng mẹo ấy sẽ giúp bạn tăng điểm mà không cần tốn sức. Nhưng dù bạn có tinh thông mẹo như thế nào thì sự thực là mẹo đa phần cũng dùng cho các câu ngữ pháp. Đặt trường hợp từ vựng bạn yếu và bạn chỉ thuần dùng mẹo khi đi thi thì điểm của bạn cũng khó bức phá lên mức 400-450.

Einstein từng nói là:

Bạn không thể giải quyết vấn đề với cùng một tư duy mà bạn tạo ra vấn đề đó.

Nghĩa là bạn đang ở level 400 mà muốn lên 600, thì bạn cũng phải nâng cấp update não bạn để nó chạy level 600. Giống như update Win 7 lên Win 10 thì mới chạy mượt vậy.Câu hỏi ở đây đó là: update như thế nào, đó là hãy tải từ vựng về, học nhiều cụm từ vựng hơn, tập trung nâng cao số lượng từ vựng trong đầu. Khi đầu bạn đã có từ vựng đó, đã hoạt động hiệu quả thì đề nào bạn làm cũng là 600 cả.

Cho nên hãy thay đổi tư duy, hãy suy nghĩ rằng việc đầu tư mấy tháng học từ vựng có thể giúp bạn có khối từ vựng xài trong 20-30 năm sau này khi về già dạy con nữa. Thì đây có là một việc đầu tư rất đáng làm không?

Và bây giờ chúng ta sẽ nói về những LỖI SAI trong cách thức học từ vựng nhé:

Cùng nhau bắt đầu nào

1. SHARE HOẶC DOWN TÀI LIỆU NHIỀU NHƯNG KHÔNG HỌC:

Đây là một trong những thói quen đến ngay cả mình cũng mắc phải, đó là thích share vô số tài liệu về tường, hoặc down nhiều sách về máy mà không đụng đến.

Tại sao chúng ta lại có thói quen như vậy?

Bởi vì nó đơn giản. Não có cảm giác đã hoàn thành công việc nhanh chóng.

Bạn có bao giờ cảm thấy việc mở sách ra học trong 2 tiếng, thời gian nó trôi qua lâu và chán đến như thế nào không?

Nhưng nếu bạn bật mạng lên lướt lướt, share bài, hoặc bấm download. Những lần nhấp chuột đó chỉ mất vài giây, nhưng não bạn đã phát ra tín hiệu là bạn đã hoàn thành xong một nhiệm vụ. Bạn đã có trách nhiệm với việc học của mình đó là lưu lại tài liệu. Nhưng bạn thực sự chỉ mở một ít phần mà bạn đã lưu lại phải không.

Chưa kể những tài liệu này được viết theo dạng trích đoạn hoặc minh họa đơn giản nên việc lướt qua nó có thể là có tác dụng giúp bạn nhớ mài mại lại một lần nữa chứ không thực sự ghi khắc trong đầu.

Kinh nghiệm bản thân

Mình trước đây thường thích chia sẻ các post trên mạng xã hội vì mình nghĩ nó có tác dụng giúp các bạn nhớ bài.

Nhưng dần dần về sau này, khi mình nhận ra các post trên social media không thực sự giúp các bạn học, mình đã bớt design nhiều hình ảnh, hay post nữa, mà chuyển qua viết hoặc quay video, tạo tài liệu. Vì một trong những lý do để mình bắt đầu kênh video và sự nghiệp dạy học đó là hứng thú tìm ra phương pháp để giúp các bạn học tốt hơn.

Đa phần các học viên của mình sẽ nói là: Em nhớ từ này nè, em thấy nó trong video game show abc, hoặc em thấy nó trên ứng dụng grab, trên game nè, chứ ít khi bạn nói em lướt qua nó trên một post đâu đó ở mạng xã hội.

Bởi vậy hãy share nếu bạn thực sự sẽ xem lại, hoặc đơn giản share để tạo động lực chứ đừng nghĩ là share để đó thì từ vựng nó sẽ tự dưng đi vào đầu. Việc học từ vựng sẽ phức tạp hơn nhiều.

2. HỌC THEO TÀI LIỆU THÔ CỨNG

Hiện tại, mình đã download và sử dụng kha khá tài liệu để dạy và học trong suốt những năm qua. Các tài liệu trên mạng nổi tiếng có 600 từ vựng Toeic hoặc các file từ vựng được tổng hợp theo dạng list của các bạn, những người đi trước.

Theo mình thì đây là những file từ vựng khá hay, bởi vì nó giúp bạn tiết kiệm thời gian khi ÔN LẠI. Mình nhắc lại đó là khi “ÔN LẠI” mới có tác dụng.

Theo các nghiên cứu khoa học và bài báo mình đọc và kinh nghiệm dạy thì việc đọc một list từ đọc đi đọc lại sẽ không có tác dụng giúp bạn nhớ từ nhiều. Nó chỉ làm tốn thời gian thôi.

Việc học từ vựng TOEIC đòi hỏi qua nhiều bước hơn thế.

Các bước để bạn “nhớ” 1 từ vựng

Để biết hoàn toàn một từ vựng bạn cần biết: nghĩa tiếng Việt, phát âm, các từ đồng nghĩa/trái nghĩa, ngữ cảnh hay sử dụng trong cuộc sống và level cao nhất đó là bạn sẽ tự vận dụng nó trong nói viết.

Vậy trung bình bạn phải gặp một từ hơn 10 lần để có thể nhớ và tạm vận dụng nó, chưa nói đến việc thực sự thuần thục nhưng việc nhớ đã phải gặp hơn 10 -20 lần. Việc này giống như bạn gặp một người lạ và phải mất 10-20 lần nói chuyện tiếp xúc ở nhiều nơi thì bạn mới nhớ tên, nhớ mặt.

Không phải tự nhiên mà các cuốn sách học từ vựng, họ có nhiều hoạt động để khơi gợi ra cho bạn một tình huống, ngữ cảnh, sau đó mới cho bạn học từ vựng, và có các bài tập điền từ, sắp xếp lại từ hay áp dụng cả trong bài nói. Đây là những cách não bạn sẽ “recycle”, nghĩa là não có một cái móc và nó sẽ móc các thông tin vào, lặp đi lặp lại nhiều lần thì những chiếc móc này sẽ vững vàng theo thời gian. Tuy bạn cần nhiều thời gian để ‘HỌC’ nhưng bạn sẽ không quá tốn thời gian ôn lại, vì từ vựng giờ đã khắc sâu trong đầu bạn rồi.

(Nếu bạn muốn biết một buổi học từ vựng ở lớp của mình như thế nào thì hãy bấm vào link trong Description để cùng học với mình nhé. )

Hoặc bạn cũng có thể đăng ký học với mình để hệ thống lại các điểm từ vựng.

3. HỌC KHÔNG ÔN LẠI

Bạn càng hiểu sâu, bạn sẽ càng nhớ lâu. Dù bên trên mình có nói rằng, nếu bạn cực lúc học thì lúc ôn lại sẽ nhanh chóng. Nhưng sự thực là, có vô số bài báo đã chỉ ra rằng, việc ÔN LẠI THẬM CHÍ CÒN QUAN TRỌNG HƠN CẢ VIỆC HỌC nếu bạn muốn nhớ từ lâu dài.

Ôn lại giúp bạn củng cố kiến thức một lần nữa. Dây thần kinh trí nhớ của bạn sẽ được bọc bởi một lớp màng myelin, mà khi bạn học đi học lại, lớp màng này sẽ dày lên, khiến cho kiến thức trở nên vững vàng hơn.

Việc ôn lại thường xuyên sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn.

Nếu đơn giản, bạn chỉ cần mở ra xem các phần note, và học lại, nhìn sơ qua. Khó hơn đó là che đi phần tiếng Anh và cố dịch từ tiếng Việt sang Anh. Với các từ bạn thường xuyên gặp và quên cũng có thể làm một bảng tổng kết và dán trước mặt để tiện tra cứu trong lúc làm bài hơn.

Học một cách khoa học

Bạn có thể áp dụng phương pháp ôn lại Space repetition.

Phương pháp này tạm hiểu là ôn lại sau một khoảng thời gian. Ví dụ như: bạn biết phát âm, hiểu nghĩa của từ vựng rồi, hãy áp dụng luôn làm bài tập. Đây cũng là một cách ôn lai. Sau đó dùng Flash card ôn lại theo tuần, dần dần sau đó dãn ra theo tháng.

Phương pháp thứ hai đó là Active recall. Đây là phương pháp Nhớ chủ động.

Nói trước, đây là phương pháp rất nhọc não, nhưng đã nhớ thì sẽ in sâu trong đầu luôn.

Đó là bạn hãy tóm tắt từ vựng lại thành hình ảnh theo ngữ cảnh, hoặc theo đoạn phim, list từ tiếng Việt, hoặc câu hỏi. Để khi mình học mình có thể kích thích não nhớ theo ngữ cảnh. Chứ đừng chỉ ôn bằng việc đọc lướt qua cả tiếng Việt lẫn Tiếng Anh. Như thế não mình chẳng hoạt động gì, giống như mình xem video tập Gym mà không thực sự tập thì nó cũng không có tác dụng.

Tóm lại là bạn có thể học từ vựng ít, nhưng bài nào chất lượng bài đó.

Hãy chọn lọc những từ vựng thường gặp nhất trong TOEIC, list từ trong cuốn 600 từ vựng TOEIC cũng là một khởi đầu tốt, nhưng với mình thì nó khá cũ nên nội dung thiết kế hơi chán để tiếp thu. Hiện tại cũng có những đầu sách mới như Oxford vocabulary in use có cả CD room cũng hay hoặc các cuốn sách về từ vựng theo level nói chung không cần phải là từ vựng Toeic.

Các bạn hãy chọn ra những chủ đề liên quan đến: Cuộc sống & Kinh doanh. Đây là 2 chủ dề lớn mà Toeic chắc chắn sẽ ra nhé.

Trong video sau mình sẽ trình bày phương thức học từ vựng trong lớp của mình và chúng ta sẽ cùng học một chủ đề từ vựng với nhau nhé.

Hen gặp lại bạn lần sau!


🔥ĐĂNG KÝ HỌC:

ĐĂNG KÝ CÁC KHÓA TOEIC 2& 4 KỸ NĂNG VỚI MÌNH
Khóa TOEIC 600+: https://tuvotoeic.com/2020/10/22/khoa-toeic-600/
Khóa TOEIC Speaking & Writing: https://tuvotoeic.com/2020/10/22/khoa-toeic-4-ky-nang/

LỊCH KHAI GIẢNG: https://tuvotoeic.com/lich-khai-giang/
Liên hệ đăng ký học: https://www.facebook.com/TUVOTOEIC
Theo dõi kênh Youtube của mình để cập nhật các video hướng dẫn học mới nhất: https://www.youtube.com/@tuvotoeic24kynang

Views: 3

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *