Xin chào mọi người!
Hôm nay, ngồi ngẫm lại quá trình học tiếng Anh từ trước tời giờ và mình tự hỏi: “Nếu có cỗ máy thời gian mình sẽ thay đổi điều gì?”
Với mình thì mọi chuyện xảy ra đều có lý do riêng của nó. Mọi điều trong quá khứ đều là lý do để hình thành mình ở vị trí hiện tại. Nhưng, nếu quay trở ngược lại thời gian mình sẽ ước mình biết những điều này sớm hơn để không tốn thời gian học tiếng Anh nhiều mà không hiệu quả. Đặc biệt là các bạn học viên của mình cũng rất hay mắc phải những sai lầm này.
Đó là những điều gì, bạn có tò mò không? Bây giờ, mình sẽ chia sẻ cho bạn ngay nhé:
1. Nghe TOEIC LISTENING thụ động không có mục đích
Chắc hẳn rất nhiều bạn đã nghe lời khuyên này rồi phải không? Ví dụ như, có nhiều người nói với bạn rằng. Chỉ cần bật băng lên nghe, dù bạn đang đi xe, đang làm việc, đi ngủ thì cũng nên nghe.
Mình đã từng áp dụng một khoảng thời gian khá là dài.
Đó là lúc mình còn là sinh viên và mình cũng gặp khó khăn trong nghe các bài nói dài, làm listening không kịp thời gian và thời gian đó mình dành tự học. Và mình áp dụng lời khuyên này bằng cách đi đâu làm gì mình cũng nghe.
Thời gian mình nghe tiếng Anh là lúc đi bộ, đón xe bus, làm việc nhà, tập thể dục. Lúc đó, mình đã nghe kha khá các bài trên app BBC hoặc là giáo trình Economist. Nhưng thực sự bây giờ nhìn lại khoảng thời gian hai năm nghe đó, mình tự đánh giá việc nghe thụ động không mục đích này không thực sự hiệu quả cho lắm.
Không phải là phương pháp này không hiệu quả.
Nó có, nhưng nó sẽ tốn kha khá thời gian của bạn, hơn nữa, bạn sẽ khó có thể đo lường được sự tiến bộ của mình trong thời gian nhất định. Cách nghe này cũng tạo phản xạ lười biếng trong suy nghĩ. Vô tình nó làm cho bạn không thực sự động não suy nghĩ tóm tắt vấn đề, chọn lọc từ mới để nghe chẳng hạn.
Vậy thì cách nào học TOEIC hiệu quả hơn?
Nếu bây giờ quay ngược lại mình ước bản thân sẽ học theo một giáo trình và một lộ trình chiến lược cụ thể của thầy cô nhất định. Chỉ cần tập trung vào 1-2 cuốn sách trong 2-3 tháng thôi. Và mình sẽ dành thời gian ôn sẽ tập trung hơn.
Cụ thể là, nếu bạn muốn lên trình độ nghe thì đừng nghe thụ động quá nhiều như mình mà hãy dành thời gian học các kĩ năng phụ (sub-skill) và từ vựng trong phần nghe.
Ví dụ như:
- Phát âm – nếu bạn biết hết những điểm căn bản rồi thì học nâng cao bao gồm ngắt nghỉ như thế nào, lên xuống giọng ở đâu, nhấn câu sao cho hay.
- Hoặc học thêm nhiều từ vựng mới, những cấu trúc câu thường gặp
- Và làm nhiều bài tập Nghe – Hiểu, để đảm bảo mình thuộc từ vựng, nhớ ý của đoạn văn và có thể vận dụng vào Speaking.
Với 3 bài tập ở trên này, mình đã có thể tiết kiệm khối thời gian và thấy rõ được sự tiến bộ về điểm số hơn là việc ôn tập tự do, nghe thụ động như trên rồi.
2. Làm nhiều đề TOEIC sẽ mau lên
Một trong những lời khuyên của các thầy cô ôn luyện đó là. “Bạn nên làm nhiều đề thì tự khắc sẽ hiểu ra vấn đề, hoặc giỏi lên. “
Nhưng, việc học bao gồm 2 điều, gồm “HIỂU” và “NHỚ”.
Nếu bạn giải nhiều đề nhưng bạn, trước tiên là không “HIỂU” mình sai ở đâu. Kế tiếp, bạn không “NHỚ” từ vựng, hoặc các lỗi bạn thường mắc phải. Thì việc giải nhiều đề sẽ là vô ích bởi vì bạn chỉ tăng số lần bạn mắc lỗi lên thôi.
Có những bạn học viên ở đầu khóa học nói với mình bạn ấy giải nhiều đề lắm, nhưng đi thi 2,3 lần vẫn không lên trình, và bị vướng mãi ở một mức điểm chứ không bật lên được. Sau này khi tham gia vào khóa học của mình, mình mới thấy bạn ấy cũng coi phim rất nhiều nhưng coi để giải trí, và cuốn theo mạch phim. Chứ không dừng lại và hiểu từng câu cụ thể chi tiết để học thêm. Lỗi này cũng lặp lại lỗi số 1, nghe nhưng không \”Hiểu\” và \”Nhớ\”
Hơn nữa, bạn ấy cũng không có thói quen học nhớ từ vựng mới.
Tưởng tượng bạn có 10 cục đá rải khắp trong nhà. Ngày hôm nay bạn đi qua đi lại và vấp những cục đá đó, té sưng trán. Ngày hôm sau bạn thức dậy, và cũng đi cùng một con đường, bạn cũng bị té ở những chỗ y chang như vậy. Nhiều ngày nhiều ngày sau cũng liên tục.
Nếu bạn của bạn kể lại một câu chuyện đó cho bạn thì bạn nghĩ gì? Có phải bạn sẽ nói với người bạn đó rằng, chi bằng dọn luôn 10 cục đá đó qua một bên, chỉ mất nửa ngày, một ngày nhưng con đường từ nhà đến trường sẽ nhẹ tênh hơn.
Nói cách khác là nỗ lực một lúc nhưng lợi ích bạn hưởng là lâu dài. Có thể là 20-30 năm nữa, các từ vựng ấy vẫn gắn với bạn trong công việc và cuộc sống chứ không đơn giản là giải đề nữa.
Những cục đá mình hướng tới trong câu chuyện này đó chính là từ vựng và những cấu trúc đoạn văn, câu hỏi mà bạn cần biết. Có những bạn làm 10 đề, gặp từ vựng đó mỗi đề 3 lần là 30 lần, nhưng vẫn không chịu nhớ từ đó. Hậu quả là bạn làm sai từ đề này đến đề sau.
Như vậy có phải quá lãng phí không?
Tưởng tượng bạn chỉ cần dành thêm một chút thời gian, chậm lại nhìn lại mình đã sai những từ vựng nào. Mình hay sai cấu trúc ngữ pháp nào? Tại sao mình lại hiểu lầm câu này?
Khi tự hỏi và tự trả lời, bạn sẽ dần dần gọi ra được những thói quen sai của mình để mà sửa. Khi sửa như vậy là điểm cua bạn tăng lên nhanh chóng lắm.
Đây cũng là một lỗi mà mình gặp khi mới bắt đầu học TOEIC và IELTS mà mình ước mình đã dành nhiều thời gian hơn cho mỗi đề chứ không phải liên tục đi từ cuốn này sang cuốn khác như trước.
3. Học mẹo và đoán đề TOEIC
Như các bạn đang ở giai đoạn bắt đầu học, hoặc đang hoang mang tìm cách nhanh hơn để đạt được điểm cao mà không tốn nhiều thời gian học. Mình cũng mong muốn khám phá ra những cách để điểm số mình cao hơn mà không cần quá nhiều thời gian, và đó là lúc mình cố gắng tìm đến \”MẸO\” và học \”TỦ\”.
Tuy nhiên việc học này làm cho mình chỉ biết những cái mánh mà chỉ trong một số trường hợp, đáp án đó mới đúng và các kiến thức này không áp dụng cho quá nhiều trường hợp. Tỉ lệ làm đúng cũng chỉ dừng ở mức 300-400, cao lắm 450.
Sau đó thì mình đã hiểu là việc thay đổi chiến thuật, học những cấu trúc căn bản nhất. Ngạc nhiên là việc hiểu được gốc rễ của vấn đề và kiên trì học từ vựng sẽ giúp mình đi xa đi nhanh hơn. Thay vì chỉ nghĩ đơn giản mỳ ăn liền. Cố đi đường tắt mà lại hóa ra đi đường tắc.
Nhưng như vậy thì có nên học mẹo không?
Câu trả lời của mình là có.
Nhưng hãy học mẹo khi mà bạn đã biết cấu trúc, từ vựng, dạng câu hỏi,… rồi. Và bạn sử dụng những bài mẹo này để:
- Chọn nhanh đáp án khi bạn quá kiệt sức trong phòng thi, không còn khả năng nghe, đọc nữa thì dùng mẹo để giảm bớt khả năng sai khi chọn lụi
- Dùng mẹo để nhận diện những câu hỏi dễ và chọn nhanh hơn, tô đề nhanh hơn chẳng hạn
Như vậy thực chất mẹo cũng chỉ là một chiến thuật giúp bạn làm nhanh hơn, nhưng nó chỉ làm tăng rất ít điểm. Nên bạn phải học thật kỹ những kiến thức nền nhé.
—-
🔥ĐĂNG KÝ HỌC:
Lịch khai giảng: https://tuvotoeic.com/lich-khai-giang/
Đăng ký học với mình: https://www.instagram.com/toeic.tuvo/
Views: 2