Làm thế nào để tăng điểm Fluency trong TOEIC SPEAKING – để có thể diễn đạt ý tứ mạch lạc và trôi chảy hơn nhỉ?
NÓI là một trong những kỹ năng khó trong Tiếng Anh và là đích đến cuối của các bạn đang học ngoại ngữ : Có thể nói thông thạo, trình bày rõ ràng những nội dung mà mình nghĩ.
Tuy nhiên, việc nói phản xạ một cách tự nhiên khá là khó. Bởi vì đa phần chúng ta được dạy truyền thống về ngữ pháp, hoặc đọc nghe chứ ít khi thực sự học nói. Kĩ năng nói cũng khá khó dạy, vì nó còn phụ thuộc vào tính cách và sự tự tin của người học và nhiều yếu tố khó đo lường khác nữa.
Trong bài này, mình sẽ phân tích những đúc kết của mình trong quá trình dạy Speaking cả Giao tiếp căn bản và IELTS nhé:
Đầu tiên, bạn cần biết, để nói tốt bạn cần phải có 2 yếu tố song hành đó là:
- Nói trôi chảy
- Nói chính xác
Thiếu một trong 2 yếu tố này thì bài nói của bạn sẽ khó truyền đạt được nội dung bạn muốn.
Thế nhưng, để đơn giản hơn cho luyện tập, chúng ta cần tách 2 yếu tố này ra để luyện tập, sau đó gộp lại để củng cố thêm.
Có nhiều bạn mới bắt đầu học nhưng cố gắng luyện cả hai cùng một lúc. Điều này cũng khó vì bạn sẽ thường chú ý đến sự chính xác khi nói hơn. Và các thầy cô với mục tiêu luyện đề luyện thi cũng phải tập trung vào độ chính xác của bài nói (phát âm, từ vựng, ngữ pháp) bởi vì nó dễ đo lường và chỉnh sửa hơn sự trôi chảy.
Nói trôi chảy nghĩa là gì?
Nói trôi chảy nghĩa là bạn không dừng quá lâu để suy nghĩ ra câu trả lời. Bạn có thể phản xạ ngay bằng cách nói vài câu trước, sau đó để dành ít thời gian suy nghĩ ra câu trả lời hoàn chỉnh. Trong lúc nói, bạn cũng ít khi oh, uhm, mà có thể liên tục thể hiện suy nghĩ, ứng biết theo mạch nội dung câu chuyện.
Như vậy, làm sao mình có thể tăng độ trôi chảy trong bài nói hơn? Dưới đây, mình sẽ phân tích các cách để bạn học nói tốt hơn nhé:
1. Thay đổi tư duy
Để luyện tập được khả năng nói tốt bạn cần phải thay đổi tư duy, suy nghĩ của mình.
Đầu tiên, đó là phải tin rằng, luyện tập sẽ giúp bạn giỏi lên. Có thể bạn sẽ không nói trôi chảy như bản xứ, nhưng nếu luyện tập thì giờ này năm sau bạn đã có thể trình bày được trước sếp hoặc trước toàn thể công ty bằng tiếng Anh rồi.
Tạm thời ở giai đoạn này, hãy lờ đi những lỗi sai lắt nhắt về sự chính xác. Chấp nhận mình sẽ mắc môt đống lỗi, mọi người sẽ cười mình nhưng mình có thể mở miệng ra nói trôi chảy là được. Tóm lại, bạn cần đặt mục tiêu nói tự tin, không sợ sai.
2. Tập nghĩ và nói ra các từ xung quanh bạn
Ở giai đoạn đầu, bạn có thể warm up bằng phương pháp TPR (Total Physical Response ) – Đây là phương pháp thường dùng cho trẻ em ở giai đoạn đầu, và nó cũng hữu ích khi bạn không cần suy nghĩ quá nhiều để hoàn thành một câu trọn vẹn, mà đơn giản, bạn chỉ cần quan sát các đồ vật xung quanh, cố gắng suy nghĩ ra từ vựng tiếng Anh để nói về đồ vật. Bạn không cần quá nhiều. Mỗi ngày chỉ cần luyện tập 3-4 lần.
Với mỗi lần, bạn dừng lại, quan sát xung quanh và nghĩ ra càng nhiều từ vựng tiếng Anh liên quan tới đồ vật, con người xung quanh bạn càng tốt. Điều này sẽ giúp não bạn quen với việc suy nghĩ bằng Tiếng Anh.
3. Tập nói theo cụm – collocation
Việc nói theo cụm sẽ giúp cho não bạn hoạt động nhanh hơn. Thay vì bạn cần dịch từng từ một, thì trong trường hợp này bạn chỉ cần nghĩ đến 1 hoạt động và dịch thẳng thành một cụm từ.
Ví dụ:
- đi chơi với bạn – hang out with friends,
- ngủ trễ – stay up late last night,…
Đồng thời việc dừng lại từng khoảng để suy nghĩ theo cụm chứ không phải suy nghĩ theo từ sẽ giúp bạn nói lưu loát, người nghe dễ hiểu hơn, vì bạn dừng ở đúng chỗ.
Ví dụ: Giữa 2 câu này bạn thấy câu nào dễ hiểu hơn
I / went/ to/ school late after binge /watching the /whole /series of Game/ of Thrones last /night.
(Câu này rất khó hiểu, vì người nghe phải chờ người nói bật ra từng từ, và ngắt nghỉ không đúng cụm)
I / went to school late/ after binge watching/ the whole series/ of Game of Thrones/ last night.
(Câu này dễ hiểu hơn, vì dù ngắt nghỉ nhiều nhưng vẫn đúng theo từng cụm)
Bạn thấy là việc oh, uhm trong nói là chuyện phổ biến. Điều quan trọng đó là bạn phải ngắt nghỉ đúng lúc, theo cụm, để người nghe có thể bắt kịp mạch câu chuyện và bạn cũng có thể nghĩ theo cụm từ cho phù hợp.
4. Chỉ dùng những từ đã biết
Việc bổ sung từ vựng, từ mới trong lúc nói. Hoặc khi nói bạn muốn diễn tả từ đó mà không nhớ ra, thì thường các bạn sẽ tra từ. Cách này sẽ tốt khi bạn đang muốn nâng cao band từ vựng. Thế nhưng nếu bạn muốn học để nói trôi chảy hơn. Hãy cố gắng thử thách bản thân, và sử dụng chỉ những từ mình biết.
Ví dụ: Khi mình đi làm, dù lúc đó điểm Speaking của mình cũng khá cao, nhưng phản xạ lại kém. Có những lúc nói chuyện với sếp về việc thiết kế trò chơi lớn như Amazing Race và cố gắng nói về các loại đồ ăn và trái cây.
Thế nhưng không phải từ nào mình cũng biết, công việc thì cần nhanh nên đôi khi phải dùng từ vựng miêu tả luôn. Ngay lúc đó mình trực tiếp dùng các từ vựng và cấu trúc khác nhau để diễn tả các loại trái cây hay đồ ăn mình muốn nói. Dần dà, kĩ năng tìm từ đồng nghĩa hoặc mô tả sự vật sự việc sẽ nhanh hơn, và mình không cần quá nhiều thời gian để ngồi tra từ trước khi nói nữa.
Cố gắng sáng tạo và học cách mô tả để triệt để sử dụng vốn từ sẵn có sẽ giúp bạn nhớ lâu và biết nhiều cách sử dụng từ vựng của bạn hơn, thay vì học thêm nhiều nhưng thực sự sử dụng không bao nhiêu.
5. Kể chuyện – viết nhật kí
Để thực hành thói quen nói mà không cần phải đến trung tâm hay luyện tập với người nước ngoài. Thì bạn cần xây dựng những thói quen nhỏ nhỏ trong ngày nhưng kiên trì theo dõi nó cực sát sao.
Chẳng hạn như bạn có thể bắt đầu viết nhật kí trong 30 ngày bằng Tiếng Anh. Trong các lớp của mình, ở một vài lớp siêng năng, và kỷ luật mình có thể bắt các bạn nộp một đoạn chat tiếng Anh vào group trước 9h mỗi ngày, để kể về câu chuyện trong ngày, có gì mới, đặc sắc, hoặc nói về đồ ăn thức uống quần áo. Bài tập áp dụng trong 30 ngày mục tiêu đó là giúp các bạn quen với việc nói tiếng Anh
Hoặc bạn có thể tự viết nhật kí một mình, tự quay video nói chuyện một mình.
Các bài tập này nên được luyện tập trên 30 ngày để hình thành thói quen sử dụng từ vựng, thói quen nói theo phản xạ cho bạn.
6. Nói 3 lần về một chủ đề
Một trong những sai lầm của các bạn đó là nói càng nhiều càng tốt và các chủ đề mới càng tốt. Sự thật là bạn nên chậm lại một chút, và nói kĩ vào từng chủ đề. Chẳng hạn như hôm nay bạn học về chủ đề gia đình. Hãy học các từ vựng liên quan tới gia đình. Dùng mẫu câu để trả lời câu hỏi.
Ở lần một lần hai, bạn có thể ngượng nghịu và oh uhm nhiều. Nhưng đừng chỉ nói một lần rồi vội bỏ qua. Mà hãy tập nói đi nói lại 2-3 lần/chủ đề. Sau 1 tuần bạn có thể quay lại.
Việc này đảm bảo bạn vừa nhớ từ vựng, vừa nhớ mẫu câu và phản xạ nhanh với các câu hỏi quen thuộc trong cuộc sống. Sau này khi nói về các chủ đề khác bạn có thể áp dụng các mẫu câu tương tự vào bài nói.
Chúc bạn học tốt!
Nếu bạn muốn xem trọn bộ video chi tiết giải thích hướng dẫn trả lời từng bước, cùng chuỗi bài tập đầy đủ câu trả lời mẫu và hướng dẫn làm bài thi thì hãy đăng ký khóa học này nhé:
🔥ĐĂNG KÝ HỌC:
Mua sách tự học TOEIC 4 KỸ NĂNG: https://tuvotoeic.com/mua-sach-toeic-4-ky-nang/
Lịch khai giảng: https://tuvotoeic.com/lich-khai-giang/
Đăng ký học với mình: https://www.instagram.com/toeic.tuvo/
Views: 0