Nhiều bạn than với mình rằng: “Chị ơi, em thấy Reading khó học hơn Listening”
Câu trả lời của mình sẽ là: “Đúng vậy đó em. Dĩ nhiên còn tùy người. Nhưng đa số, các bạn học viên của chị đều thấy Reading khó học hơn Listening”
Vậy để học tốt Reading, tăng điểm, làm bài không bị nản thì phải làm sao. Trong bài viết này, mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu các phương pháp khác nhau để tăng điểm Reading nhé.
Tại sao bạn thấy reading khó học TOEIC READING và GIẢI PHÁP nào dành cho bạn?
Câu trả lời sẽ thông thường nằm trong 6 lý do thường gặp dưới đây:
1. Từ vựng trong TOEIC READING nhiều:
Thông thường, từ vựng trong TOEIC READING sẽ khó hơn trong TOEIC LISTENING 1-2 bậc. Vì khi viết, người ta sẽ chỉn chu và dùng các cấu trúc, từ vựng phức tạp hơn khi nói. Nếu bạn không biết qua nhiều từ vựng đoạn văn trông sẽ giống như thế này
Lúc này, não bạn sẽ phải làm việc cật lực hơn vì bạn phải đoán và hiểu được câu chuyện và ý của đoạn văn với rất nhiều từ khó. Tưởng tượng giữa hai hình này thì cái nào sẽ làm bạn dễ hiểu hơn?
Nên nhớ, để làm tốt Reading bạn cần nắm chắc 3 nội dung:
- Ngữ pháp
- Từ vựng
- Logic
Vì thế, nếu bạn chưa vững từ vựng thì não bạn sẽ phải hoạt động nhiều hơn so với một bạn đã có sẵn từ vựng, và chỉ tập trung vào logic hoặc grammar thôi.
Cách giải quyết ở đây đó là bạn hãy bổ sung từ vựng theo level.
Việc học từ vựng cần bắt đầu ngay từ đầu, trước khi giải từng phần, bạn nên học list các từ vựng theo chủ đề (xem series học từ vựng tại đây) và tiếp tục cập nhật từ vựng mới ở mỗi đề.
Học từ vựng ngay từ ban đầu tuy khó khăn, nhưng nó sẽ giúp bạn tránh lặp lại những lỗi sai vì không biết từ ở những đề sau.
2. Cấu trúc câu trong TOEIC READING khó:
Trong một số đoạn văn, các cấu trúc câu sẽ dùng đảo ngữ, rút gọn mệnh đề quan hệ hoặc viết luôn tuồng không có chấm phẩy rõ ràng. Điều này khiến bạn hoang mạng.
Ví dụ như những bài báo, thông cáo báo chí là những bài khó đọc, vì văn phong tương đối formal hơn những email hoặc memo.
Để biết cách dịch những câu văn dài, bạn nên tách thành những mệnh đề ngắn và dịch thành từng cụm để hiểu rõ ý trọn vẹn. ( Phần này mình có phân tích chi tiết trong series Video tập dịch câu TOEIC tại đây.)
3. Đoạn văn trong TOEIC FORMAT MỚI ngày càng dài:
Đây là một trong những thử thách mình gặp phải mỗi khi mình muốn lên một level mới.
Nhớ lại hồi cấp 3 lên đại học, mình có thể giải Part 5 rất nhanh vì nó giống đề thi ĐH. Nội dung chỉ ở một câu mà thôi. Nhưng khi vào giải đề TOEIC thì các đoạn văn cần dịch sẽ càng ngày càng dài ra.
Nếu bạn để ý, các đoạn văn trong TOEIC sẽ ở mức khó lên dần dần. Từ phạm vi 1 câu => 1 đoạn => 2 đoạn => 3 đoạn. Nêu nói dịch thì mình hiểu mỗi câu, nhưng dịch sang câu số 3 mình sẽ quên mất câu đầu là gì, và một đoạn còn khó hơn nhiều nữa.
Giải pháp của mình ở đây, đó là hãy xem việc luyện trí nhớ trong TOEIC READING như một kĩ năng có thể rèn luyện được.
Bạn cần luyện tập từ những đoạn ngắn đến dài. Ví dụ như hãy tập với đoạn văn ngắn tầm 5 câu, sau khi đọc sơ qua hãy tập tóm tắt lại, hoặc kể ra các chi tiết có trong đoạn văn bằng trí nhớ của mình. Dần dần tăng lên các đoạn văn dài, sau đó đến phần 2-3 đoạn văn.
Kỹ năng này thực ra bao gồm ghi nhớ và phân tích. Chỉ cần luyện tập nhiều là lên
4. Câu hỏi TOEIC FORMAT MỚI chứa nhiều bẫy:
Các dạng đề TOEIC READING sau này, đặc biệt là phần Part 7, càng ngày sẽ càng chứa nhiều bẫy mà việc bạn dùng mẹo không thể giải quyết được. Các dạng bẫy này đòi hỏi bạn phải thực sự hiểu nghĩa của các đoạn văn, và suy nghĩ của giám khảo.
Một trong những cách làm ở đây, đó là hãy tập tóm tắt nội dung của mỗi đoạn và hiểu logic ra đề. Đặc biệt là bạn cần hiểu sâu, hiểu kỹ mỗi nội dung, và phân tích cách tư duy của giám khảo. Để từ đó tránh rơi vào bẫy ở các đề sau. Tuy các loại bẫy có nhiều, nhưng chúng cũng thường xuyên lặp lại về cách thức ra đề. Nên nếu bạn làm nhiều và phân tích sâu, bạn sẽ dần dần quen thôi.
5. Phải làm TOEIC READING dưới áp lực thời gian:
Tik tok đồng hồ quay đều. Thật khó để làm hết 100 câu trong 75’ phải không. Đặc biệt càng về sau, các dạng bài càng nặng nề, và dài dòng nhưng thời gian lại rút ngắn lại. Một trong những yếu tố làm Toeic Reading khó nhằn đó là do bạn phải suy nghĩ nhanh trong thời gian nhất định.
Có nhiều bạn, làm ở nhà điểm cao, vì dành thời gian suy nghĩ cẩn thận từng câu, nhưng khi ra thi thì điểm sẽ thấp, vì bạn không quen gói gọn hết các câu trong 75’.
Vì vậy, bạn cần tập phân bổ thời gian sao cho hợp lý ở dạng đề này.
Với Part 5,6, ban cần phân bổ những câu ngữ pháp sao cho từ 3s=>10s thôi, các câu dịch nghĩa có thể 30s => 1’. Trong khi đó, với Toeic Part 7, bạn có thể tăng lên 1’/1 câu. Và luyện tập tách riêng từng phần, dưới áp lực thời gian, và luyện tổng hết đề dưới áp lực 75’ hoặc ngắn hơn nữa.
6. Đọc và làm bài TOEIC READING làm cho bạn buồn ngủ:
Đây cũng là khó khăn mà mình gặp phải khi luyện TOEIC READING.
Bạn có biết có 3 style học: Người học qua Nghe – qua Đọc – qua Làm.
Mình là người học qua Nghe – nên nếu nghe mình tỉnh lắm. Còn tối tối mình hay lấy sách làm Reading xong đi ngủ là ngủ ngon cực kỳ. Ngược lại, bạn mình lại có người học giỏi ĐỌC, nên bạn ấy sẽ lấy bài NGHE ra học mỗi tối, để ngủ ngon.
Vì vậy, bạn cần xác định được kiểu học mà mình dễ tiếp thu nhất là gì, và ưu tiên cách học đó khi bạn mệt, như thế bạn sẽ bớt áp lực hơn. Hãy dành thời gian mà bạn giàu năng lượng nhất cho các kĩ năng mà bạn yếu, và dễ mất tập trung như kĩ năng ĐỌC.
Một lời khuyên khác mà mình hay dặn học viên của mình tự học đó là hãy chia nhỏ ra (break it down) thành những phần nhỏ nhỏ để tránh đuối khi ôn bài. Chẳng hạn như, sáng bạn làm Part 7 phần 2-3 đoạn văn khi bạn sung sức nhất, trưa trưa làm một đoạn văn và tối làm Part 5,6. Như vậy, bạn sẽ dần quen với mỗi đoạn. Đừng cố ép mình ngay từ đầu đã phải giải hết một loạt. Khi cảm thấy nhiệm vụ qua nhiều và phức tạp, não chúng ta sẽ có cơ chế trì hoãn, làm biếng và bạn sẽ mãi không có lý do ngồi vào bàn học.
7. Chủ đề trong TOEIC READING xa lạ với bạn:
Nhiều bạn không biết, còn có một yếu tố cũng ảnh hưởng nhiều đến TOEIC READING đó là kiến thức xã hội – background knowledge. Đây là dạng kiến thức về các tình huống trong cuộc sống, văn phòng, … mà có thể ảnh hưởng đến mạch câu chuyện.
Ví dụ: Trong lớp mình có nhiều bạn không hiểu về thông cáo báo chí (press release) là gì? Các bài báo thường viết theo cấu trúc nào? Hoạt động tuyển dụng nhân sự ra sao? Thì việc làm bài sẽ khó hơn, vì bạn suy luận chậm hơn các bạn vốn có kiến thức xã hội.
Vì vậy, để làm tốt TOEIC READING, bạn còn cần phải gia tăng lượng kiến thức về cuộc sống, bằng cách xem phim, đọc báo, hiểu văn hóa anh-mỹ, hiểu văn hóa công ty, môi trường làm việc,…
Hy vọng, với 7 lời khuyên ở trên, bạn đã tìm được giải pháp và chiến lược học TOEIC READING tăng điểm vù vù mà không sợ nản. Nếu có câu hỏi nào, đừng ngại inbox hoặc comment mình ở bên dưới nhé.
Chúc các bạn học tốt!
—-
🔥ĐĂNG KÝ HỌC:
Lịch khai giảng: https://tuvotoeic.com/lich-khai-giang/